Hotline: 0878157629
TT PHÁT TRIỂN SINH HỌC

Quy trình trồng dưa lê sạch bệnh

Quy trình trồng dưa lê sạch bệnh

I. Giới thiệu giống

Giống dưa lê Super 007 honey: là giống mới của Công ty Nong Woo Bio do Tổng Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA) giới thiệu. Giống dưa lê Super 007 honey sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái miền Bắc Việt Nam. Thời gian sinh trưởng 70-80 ngày. Số quả trung bình trên cây: 5-6 quả/cây. Quả trung bình, tròn dài, màu vỏ quả vàng sọc trắng, bóng đẹp khi chín. Kích thước quả: dài quả 13-16 cm, rộng 7-9 cm. Khối lượng quả trung bình 350-450 g/quả. Năng suất đạt 24-25 tấn/ha. Thịt quả màu trắng kem, dễ tách hạt. Chống chịu bệnh phấn trắng và sương mai khá. Chất lượng quả ngọt, thơm, hàm lượng vitamin C đạt 12 mg%, chất khô đạt 14 %, độ Brix 14-16%.

 

II. Các biện pháp kỹ thuật

1. Thời vụ trồng

Trong điều kiện miền Bắc Việt Nam, dưa lê Super 007 honey được gần như quanh năm từ tháng 2 đến tháng đầu tháng 9 (trừ các tháng có nhiệt độ thấp: từ T11 - T1 năm sau) 

2. Làm đất

Chọn ruộng: chọn chân ruộng cao, đất giàu dinh dưỡng và có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt.
Đất được cày bừa kỹ, làm đất nhỏ, sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1,5 -1,8 m, luống cao 25-30 cm, rãnh rộng 30-40 cm.

Đất trồng dưa lê cần chọn chân cao, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Đất xấu, đất pha cát nhiều cần tăng cường bón phân hữu cơ. Đất được cày bừa kỹ, lên luống rộng 1,5-1,8 m, luống cao 25 - 30 cm và rãnh rộng 30 cm.   

3. Gieo hạt

Hạt có thể gieo trực tiếp (mỗi hốc gieo 2 hạt chọn để lại 1 cây khoẻ) nhưng tốn giống. Để tiết kiệm lượng hạt giống và chủ động về chất lượng cây con áp dụng phương pháp gieo vào bầu. Hạt sau khi đã ngâm và ủ hạt cho nứt nanh đem gieo vào bầu. Khối lượng 1.000 hạt là 20-21g. Lượng hạt giống cần gieo từ 250-300 g/ha.

Quy trình ngâm ủ hạt giống: ngâm hạt trong nước ấm (3 sôi 2 lạnh) 2- 3 giờ. Sau khi ngâm vớt hạt ra rửa sạch hết chất nhớt và cho vào khăn bông ẩm để ủ hạt (không dùng khăn nilon), gấp khăn lại và cho vào túi nilon hoặc hộp nhựa đậy nắp lại. Sau 24 giờ ủ hạt thì lại đem ra rửa sạch lớp nhớt bên ngoài hạt, giặt sạch khăn rồi lại ủ tiếp. Sau khi hạt nứt nanh thì đem gieo.

Hỗn hợp đất làm bầu: Tỷ lệ đất bột với phân chuồng hoai mục (hoặc mùn) là 1:1. Gieo hạt trên khay bầu, mỗi hốc gieo 1 hạt, đặt hạt theo hướng lá mầm lên trên, rễ quay xuống. Sau khi gieo xong, rắc hỗn hợp đất mùn hoặc trấu lên trên cho vừa kín hạt, tưới ẩm thưởng xuyên. Khi cây có từ 1 - 2 lá thật đem trồng.

4. Phân bón

Lượng bón: Lượng phân bón cho 1 ha:

Loại phân

Tổng lượng phân bón (kg /ha)

Bón lót 
(%)

Bón thúc (%)

Lần 1

Lần 2

Lần 3

Phân chuồng hoai mục

30.000

100

-

-

-

N

100

20

20

30

30

P2O5

60

100

-

-

-

K2O

100

20

20

30

30

Chú ý: đất chua cần bón thêm vôi, lượng bón 600-800 kg/ha. Trong trường hợp không có phân chuồng có thể bón thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh với liều lượng tương đương 800- 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh cho 1 ha.

Phương pháp bón:

- Bón lót: bón toàn bộ phân chuồng, phân lân; 20% phân đạm và 20% phân kali.

- Bón thúc: Lượng phân còn lại chia bón thúc làm 3 lần:

- Bón thúc lần 1: sau khi cây 2-3 lá thật
- Bón thúc lần 2: sau lần bón thúc thứ nhất 10-15 ngày.
- Bón thúc lần 3: Sau bón thúc lần hai 15-20 ngày
5. Trồng cây và chăm sóc

Trong trường hợp để cây bò trên luống đất: Khoảng cách trồng cây cách cây 50 cm, luống rộng 1,5-1,8 m, trồng 1 hàng giữa luống.

- Mật độ trồng từ 9.000 - 9.500 cây/ha.

      Thường xuyên giữ độ ẩm 70-75% cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là thời kỳ ra hoa, đậu quả và nuôi quả lớn bằng cách dẫn nước theo rãnh cho ngấm vào mặt luống sau 2 giờ thì rút hết nước đi.

Khi cây được 4 - 5 lá thật tiến hành bấm ngọn, sau đó tỉa chỉ để 4 - 5 nhánh tốt nhất để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Tỉa bớt các lá gốc hoặc lá vàng úa, giúp ruộng thông thoáng, tạo điều kiện tốt cho quá trình thụ phấn nhờ ong bướm. Số quả trên cây để 7-10 quả là tốt nhất.

6. Phòng trừ sâu, bệnh

Một số sâu hại chính

- Bọ trĩ: nếu thấy mật độ bọ trĩ nhiều cần phải phun thuốc kịp thời, có thể dùng các loại thuốc  hóa học như: Confidor 100SL, Regent 800WG Polytrin 440EC, Ofatox 400EC, Selecron 500EC (hoặc 500ND), Cyperan 5EC (hoặc 10EC/25EC), Sherpa 10EC (hoặc 25EC), Visher 25ND, Sevin 85WP...(liều lượng và cách sử dụng theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất trên vỏ bao bì

- Ruồi đục lá (sâu vẽ bùa):

+ Biện pháp phòng trừ: chăm sóc cây khỏe, bón phân cân đối, tưới nước hợp lí, thu dọn tàn dư của vụ trước, luân canh với cây khác họ bầu bí. Ngoài ra có thể dùng thuốc Vertimex; Baythroid; Sherpa; Sherbush; Decis; Polytrin; Trigard (phun theo hướng dẫn trên bao bì.

+ Biện pháp canh tác: dùng giống chống bệnh, luân canh cây trồng, dọn sạch cỏ trong vườn, dùng màng phủ hoặc rơm rạ phủ đất để hạn chế cỏ dại.

Một số bệnh hại chính

- Bệnh lở cổ rễ (Fusarium oxysporium f. sp.):

Có thể hạn chế vùng bị bệnh bằng cách phun hoặc tưới đẫm vào gốc thuốc Captan với 2 gram thuốc/lít nước hoặc Viben C, Tilt supper, Copper B, Rovral 50 WP, Topsin - M 0,2 - 0,3 %.

- Bệnh sương mai (Pseudoperonospora cubensis):

Sử dụng một số loại thuốc sau: Ridomil MZ nồng độ 400, Metiran 80% nồng độ 500. Vv

- Bệnh phấn trắng (Erysiphe sp.): Benlate C 0,01%, Topsin 0,1%, Anvil….vv

- Bệnh thán thư: Antrcol 70 WP, Zineb

-  Bệnh khảm virus (Mosaic)

Hạn chế bệnh thông qua trừ môi giới truyền bệnh: trừ rệp bằng cách phun Actra 25 EC, Mimic 20F, Sherpa 20EC, Admire, Sevin 85 WP.

Liều lượng, nồng độ áp dụng theo đúng chỉ dẫn nhãn ghi trên bao bì thuốc.

7. Thu hoạch

Từ trồng đến thu quả chín khoảng 70 đến 80 ngày, khi vỏ quả chuyển sang màu vàng đậm sáng bóng là lúc quả đạt chất lượng cao nhất, khi đó tiến hành thu quả.

Sau khi thu về dưa lê được để nơi thoáng mát  thêm một hai ngày sẽ tăng phẩm chất và hương vị của dưa lê.

Liên hệ tư vấn: 0878157629

Bản quyền thuộc về TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN SINH HỌC by LinkMediaVietNam